Logo

HIỂU ĐÚNG VỀ VAI TRÒ CẤP QUẢN LÝ TRONG QUẢN TRỊ NHÂN SỰ

Admin-4/29/2023, 5:31:44 PM

HIỂU ĐÚNG VỀ VAI TRÒ CẤP QUẢN LÝ TRONG QUẢN TRỊ NHÂN SỰ

HIỂU ĐÚNG VỀ VAI TRÒ CẤP QUẢN LÝ TRONG QUẢN TRỊ NHÂN SỰ

 

     Thuộc thế hệ 6X như tôi, chắc ai cũng nhớ vai trò “sinh sát” của Phòng Tổ chức (cách gọi tắt của Phòng Tổ chức Cán bộ, tiền thân của Phòng Nhân sự ngày nay) thuộc các tổ chức hay Xí nghiệp quốc doanh thời thập niên 1980 và 1990.  Phòng này có toàn quyền phân công nhân sự cho tất cả các phòng ban chức năng.  Phòng ban nào không muốn sử dụng nhân sự nào thì trả lại cho Phòng Tổ chức để phân công nơi khác. 

 

     Ngày nay, sau thời gian dài mở cửa hội nhập và tiếp thu các giá trị mới, các công ty đã có nhiều thay đổi trong tư duy quản trị, và dần tiệm cận với các xu hướng quản trị hiện đại trên thế giới. Tuy nhiên, trong thực tế làm việc và trao đổi với cá nhân các nhà quản lý của các doanh nghiệp, tôi nhận thấy đâu đó vẫn còn những quan niệm chưa đúng đắn như đề cập dưới đây về vai trò của Quản trị Nhân sự (Human Resources Management) nói chung, cũng như của Phòng Nhân sự (HR Department) nói riêng.

 

     Thứ nhất, một số CEO của các công ty đều cho rằng các vấn đề liên quan đến Quản trị Nhân sự (QTNS) luôn được xem là thứ yếu khi so với kinh doanh và tài chính.  Đối với họ, QTNS chỉ đơn giản gồm tính công trả lương, và tuyển chọn nhân viên mới.  Hay thường thấy, Phòng Nhân sự (PNS) thường đi kèm với chức năng Hành Chánh – chuyên lo các vấn đề điện nước, các phương tiện làm việc cho công ty. Nhưng thử hỏi, các vấn đề hay hoạt động hằng ngày khác như cơ cấu tổ chức, phân công công việc cho từng vị trí, thiết lập các quy trình làm việc nội bộ, chính sách khen thưởng, quản lý nội quy và kỷ luật, … thì ai là người chịu trách nhiệm? Thực tế cho thấy, nhiều cấp quản lý, mà đứng đầu là CEO, chưa hiểu hết vai trò mang tính chiến lược của QTNS sự hiện đại. Do vậy, để một tổ chức có thể hoạt động trơn tru thì nhất thiết mọi thành viên trong tổ chức đó phải tương tác và phối hợp nhịp nhàng với nhau. Qua đó, với vai trò của mình, QTNS sẽ đóng góp phần quan trọng trong việc hình thành một lề lối, quy tắc làm việc chung cùng nhau, cũng như giúp giải quyết những vấn đề nhân sự phát sinh khác trong quá trình hoạt động của tổ chức.

 

     Thứ hai, một số CEO hay các cấp quản lý quan niệm rằng: mọi hoạt động QTNS là thuộc trách nhiệm của Trưởng PNS. Hay cụ thể hơn, PNS là đối tượng chính phải chịu trách nhiệm với chất lượng các hoạt động QTNS trong toàn tổ chức. Ví dụ, như khi doanh thu của công ty sụt giảm vì chất lượng nhân viên kinh doanh kém, thì PNS bị cho là nguyên nhân chính vì đã không tìm được nguồn tuyển dụng nhân viên kinh doanh chất lượng giới thiệu cho tổ chức. Hay khi xảy ra hiện tượng bỏ việc hàng loạt của nhân viên sản xuất, thì PNS bị réo tên đầu tiên vì đã đưa ra những chính sách không thỏa đáng cho khối sản xuất khiến công nhân bất mãn ra đi. Chính những quan niệm như thế là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc tuyển dụng thiếu hiệu quả, nhất là tuyển dụng cấp quản lý, khi mà tổ chức chỉ chủ yếu quan tâm đến các năng lực chuyên môn của ứng viên (như chuyên môn về Kinh doanh, Sản xuất hay Marketing) mà bỏ qua các năng lực về quản trị nhân sự của họ (như cách quản lý đội nhóm, đánh giá nhân viên, …).  Tôi tin rằng các cấp quản lý trẻ ngày nay với không ít người có trình độ Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh – MBA, sẽ không khó để hiểu rằng, để trở thành một nhà quản trị hiệu quả thì những kiến thức về QTNS, cùng những kỹ năng làm việc với con người là điều không thể thiếu của mọi cấp quản lý. Do vậy, cấp quản lý cần phải có quan niệm đúng đắn là: trước hết, trách nhiệm QTNS trong một tổ chức là trách nhiệm của mọi cấp quản lý chứ không chỉ riêng của Trưởng PNS; kế đến, năng lực vận dụng các kỹ năng QTNS là đòi hỏi tất yếu đối với mọi cấp quản lý trong tổ chức.

Nguồn: TS. Nguyễn Định- Chuyên gia Đào tạo, & Tư vấn Quản trị Nhân sự công ty Uplift.

Tags

Liên hệ với chúng tôi

2023 © Uplift Proudly Powered by ThS Phạm Thị Bích Nga

Developed by Tran Vinh Hung